Onvif là cấu hình (profile) được tạo ra để giúp các thiết bị bảo mật IP (sử dụng giao thức internet) của nhiều hãng sản xuất khác nhau có thể giao tiếp được với nhau, ví dụ camera giám sát của hãng A có thể quản lý được bằng thiết bị của hãng B, C và ngược lại.
Onvif viết tắt của Open Network Video Interface Forum, ra đời năm 2008 bởi liên minh của 3 tập đoàn lớn là Axis Communications, Bosch Security Systems và Sony Corporation. Họ tạo ra chuẩn onvif và chia sẻ bản quyền cho tất cả các hãng khác được sử dụng, với 4 gói membership tính theo năm, gồm Observer giá 500$/năm, User giá 2.000$/năm, Contributing giá 10.000$/năm và Full giá 20.000$/năm.
Hiện nay chuẩn onvif đang có 6 profiles, gồm có A, C, G, Q, S và T, áp dụng cho các thiết bị IP là:
Profile A: dùng cho cấu hình khả năng truy cập
Profile C: dùng cho thiết bị quản lý cửa và cảnh báo
Profile G: dùng cho thiết bị truy xuất dữ liệu
Profile Q: dùng cho cài đặt nhanh
Profile S: dùng cho thiết bị stream video cơ bản
Profile T: dùng cho thiết bị stream video cao cấp
Như vậy, camera IP có hỗ trợ onvif để có thể quản lý bằng thiết bị của bên thứ 3 phải hỗ trợ profile S hoặc profile T.
Tóm lại, một hệ thống bảo mật IoT gồm khóa cửa, báo cháy, smarthome, CCTV… mua của nhiều hãng khác nhau thì vẫn có thể setup thành một hệ thống đồng bộ để xem và quản lý bằng cùng phần mềm, nếu chúng có hỗ trợ onvif.